Home / Review sách / Review sách Trên Đường Băng

Review sách Trên Đường Băng

Trên Đường Băng
Tác giả: Tony Buổi Sáng

Đôi nét về tác giả:
Tác giả Tony Buổi Sáng được các bạn trẻ yêu mến gọi với cái tên thân mật là Dượng Tony. Với giọng văn hài hước, sinh động, xuất phát từ cái tâm trong sáng của một người đi trước nhiều kinh nghiệm, Dượng Tony giúp các bạn trẻ học được cách sống hào sảng nghĩa tình văn minh…truyền cảm hứng sống hết mình, trọn vẹn từng phút giây.

Review sách:
Trên đường băng là cuốn sách thứ hai (sau cuốn “Cafe cùng Tony”), Cuốn sách tập hợp những bài viết được ưa thích trên Facebook của Tony Buổi Sáng. Khác với những tập tản văn thông thường, nội dung các bài viết trong sách của Tony đều được chọn lọc có chủ đích, nhằm chuẩn bị về tinh thần, kiến thức…cho các bạn trẻ vào đời.


Tiếp nối sự thành công của Cafe cùng Tony thì cuốn sách “Trên đường băng” thật sự là 1 hồi trống thức tỉnh những con người đang ngụp lặn giữa dòng đời mưu sinh và khởi nghiệp, kèm theo đó có gửi gắm cả tâm tư tình cảm của dượng Tony vào từng trang sách. Sách gồm 3 phần: “Chuẩn bị hành trang”, “Trong phòng chờ sân bay” và “Lên máy bay”,  Mỗi phần được chia ra làm các chương, mỗi chương là từng câu chuyện mà Tony kể, từ chuyện trải nghiệm tại nước ngoài, tiếp xúc với những con người như thế nào, sự quan trọng của ngoại ngữ đến chuyện học hành, chuyện đi làm rồi đến những tấm gương đáng học hỏi, cách đối mặt với tiền … Mỗi câu chuyện trong cuốn sách tương ứng với những quá trình một bạn trẻ phải trải qua trước khi “cất cánh” trên đường băng cuộc đời, bay vào bầu trời cao rộng.

Mở đầu cho trang sách là phần “Packing Checklist – chuẩn bị hành trang” đây là phần đầu tiên cũng là phần mà mình thích nhất, ở phần này tác giả Tony chia sẻ về những “vũ khí” cần phải trang bị trước khi lên đường. Tony dặn các bạn trẻ lo đầu tư vào tài sản của mình đi, 4 loại tài sản ấy là “vốn sống, nhân cách, thể lực và trí lực”.

Trong đó Hành trang cho tuổi 20 chỉ cần hộ chiếu, sức khỏe, ngoại ngữ, thẻ thanh toán quốc tế, các công trình nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội. Ngoài ra những thứ phết phẩy, sĩ diện ảo, hay bệnh Chu Du thì không cần dùng tới.

Sống ở đời thì phải có “mission”, đừng cứ loay hoay mãi mê danh vọng, tiền bạc mà đánh mất cái đam mê, cái hạnh phúc, cái lẽ sống thực sự của đời mình. “Nên các bạn trẻ phải xác định mission của cuộc đời mình càng sớm càng tốt”, “mình sinh ra trên trái đất này, rồi khi mình chết đi, cái gì khiến mình hạnh phúc nhất khi đạt được?”, tránh vội vã mà xác định nhầm. Khi xác định mission rồi, thì lên kế hoạch thực hiện. Kế hoạch 10 năm, rồi kế hoạch 5 năm (như đại hội Đảng ta vẫn hay xác định ý). Mà để từng bước hoàn thành được cái kế hoạch cuộc đời đó, thì hãy tập sống ý thức, biết giữ chữ tín như người Do Thái, hoàn hảo trong công việc như người Đức và có tính kỷ luật, nhân ái, rèn luyện đạo đức như người Nhật.

Tiếp nối cho phần 1 là “In the departure lounge – Ở phòng chờ sân bay” Ở phần này, Tony có vẻ tự sướng, toàn kể chuyện bản thân tác giả hông à. Kể chuyện Tony “khôn” như thế nào khi mới ra trường đi làm, Tony “tự kỷ” như thế nào khi gặp một ông giám đốc ngân hàng, chuyện chú đi du lịch, cách ngồi xe hơi, chuyện chú đi ăn buffet quốc tế.

Đến phần cuối cùng Boarding – Lên máy bay Tony kể về những tấm gương, những con người Việt Nam đã “lên máy bay”, hội nhập với Thế Giới, tạo động lực cho các bạn start up. Trong đó mình ngưỡng mộ nhất câu chuyện của cô giáo sinh hóa cấp 2 miền Lục Ngạn, thấy nhà học trò khổ quá vì trái vải rớt giá khi được mùa, cô tự mày mò sản xuất men giấm từ vải và mật ong, sau đó tìm cách kinh doanh rồi xuất khẩu ra các nước.

Ben cạnh đó, Tác giả Tony còn dặn thêm: muốn khởi nghiệp thì đừng hỏi “tiền đâu” vì “dù ít hay nhiều, đứa nào biết tự tạo vốn ban đầu thì đứa đó mới làm chủ được”.Tác giả lấy ví dụ về việc làm sao tiết kiệm đủ tiền chỉ với 6 triệu đồng lương/tháng để có thể tích vốn khởi nghiệp
– Ăn: tự nấu hoặc ăn bình dân. Ăn chay hoặc ăn luộc, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ để tốt cho sức khỏe.
– Ở: hãy ở trọ xa, đi xe bus. Điều này nghe thật kỳ cục. Nhưng nếu bạn đọc biết tư duy, sẽ nhận ra vài điều đặc biệt trong những lời văn này. Có lẽ cũng không nên bình luận gì thêm về phần ở trọ
– Chơi: nên mời bạn bè ăn hai lần mỗi tháng. Hãy chọn bạn bè là những người đang làm công ty lớn, đang khởi nghiệp. Cá mập thì quây quần dưới đáy sâu, cá lòng tong thì nhao nhao trên mặt nước, cạnh tranh việc đớp bọt. Khoe quần áo, bàn chuyện ca sĩ này diễn viên kia, bình luận tò mò Tony Buổi sáng là ai,…chỉ có đám lòng tong. Đám cá lớn sống im lặng.
– Học: dành ít nhất 10$ mỗi tháng để học. Có thể mua sách, học đàn piano, học tiếng anh hay bất cứ thứ gì mình thích, miễn là học để mở mang kiến thức!
– Đi du lịch: mỗi tháng để dành 1 triệu cho việc đi chơi, mỗi năm sẽ dành ra được 12 triệu. Hãy biết sang trang, hãy biết xuống dòng. Nếu 30 tuổi mà chưa đi đâu đi đó thì cuộc đời mới chỉ ở 1 trang sách đầu tiên mà thôi.
– Để dành: tháng tối thiểu để dành 1 triệu. Cứ gửi ở ngân hàng, để được nhiều hơn có thể mua năm phân hoặc một chỉ vàng, đó là vốn khởi nghiệp về sau hoặc phòng khi có việc đột xuất.

Về mức lương: Khá nhiều bạn trẻ than phiền về mức lương mãi không tăng. Tuy nhiên Tony khuyên rằng, hãy cống hiến. Đừng sợ người khác không thấy nỗ lực của mình. Đừng khôn theo kiểu tôi có được gì không, làm nhiều lắm rồi lương cũng vậy. Tư duy này khiến mình nghèo miết. Hãy cố gắng làm thêm giờ, hãy làm thêm việc ở cơ quan, làm sớm hơn, về trễ hơn.

“Trên đường băng” cuốn sách rất sinh động, thiết thực, hài hước và xuất phát từ cái tâm trong sáng của một người đi trước nhiều kinh nghiệm. Tony viết về thái độ với sự học và kiến thức nói chung, cách ứng phó với những trắc trở thử thách khi đi làm, cách sống hào sảng nghĩa tình văn minh…truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sống hết mình, trọn vẹn từng phút giây.

Cuốn sách hướng đến là các bạn trẻ, nhưng độc giả lớn tuổi hơn vẫn có thể đọc sách để hiểu và có cách hỗ trợ con em mình một cách đúng đắn, chứ không “ủ” con quá kỹ để rồi tạo ra một thế hệ yếu ớt, không biết tự lập. Những người đi làm nhiều năm đọc sách cũng có thể nhìn lại con đường đi của mình, tự ngẫm đó đã phải là con đường mình muốn đi chưa, bởi thay đổi không bao giờ là quá muộn. Đây là một trong những quyển sách lập nghiệp mà bạn trẻ nên đọc

Những đoạn trích hay:
1. Đố kỵ chỉ khiến bạn dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi, trong khi cuộc sống của những người bạn đố kỵ ngày càng tốt hơn. Người thông minh dành thời gian học hỏi, kẻ vô dụng chỉ biết gièm pha.

2. Không công bằng với bản thân là một loại công bằng. Kẻ mạnh luôn đề cao sự lựa chọn tự nhiên, người thích hợp mới tồn tại, chỉ có kẻ yếu mới ngày ngày kêu gào đòi công bằng.

3. Đừng coi thường những kẻ nịnh bợ, đó cũng là một loại năng lực. Nếu bạn lên làm lãnh đạo, bạn có thích nghe người khác nịnh bợ mình không? Điều bạn ghét chính là người khác có thể khiến sếp vui lòng, giúp bầu không khí vui vẻ, trong khi bạn không thể làm được điều đó.

4. Một ngày bạn sống thế nào, cả đời bạn sẽ như thế. Ngày mai mình sẽ bắt đầu đọc sách, bắt đầu học, bắt đầu dậy sớm đi làm. Những việc lên kế hoạch cho ngày mai, cả đời này khó mà thực hiện được, chi bằng bây giờ bắt tay vào làm ngay!

5. Đừng chỉ nghĩ theo chiều hướng an ủi mình. Khi bạn bè thành công còn mình chẳng có gì, bạn nghĩ họ có người chống lưng, có chồng là đại gia, có nền tảng gia đình vững chắc. Thật ra không phải bạn nghi ngờ tài năng của họ, bạn chỉ đang viện lý do để an ủi con tim tan vỡ của mình.

6. Muốn thay đổi thế giới, trước tiên cần thay đổi chính mình. Ai cũng muốn thay đổi cả thế giới, những thói hư tật xấu của mình còn không sửa được thì làm được việc gì.

7. “Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác

8. Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”

9. “Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán?
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán?

Trên đường băng sân bay mỗi đời người,
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh.”

Trích sách ” Trên Đường Băng” – Tony Buổi Sáng