Tôi Tự Học
Tác giả: Thu Giang – Nguyễn Duy Cần
Đôi nét về tác giả:
Cụ Nguyễn Duy Cần (hiệu là Thu Giang) (Sinh năm 1907-1998) là một học giả nổi tiếng của Việt Nam vào khoảng những năm 50-60 của thế kỷ trước. Cụ đã để lại cho con cháu các tác phẩm đồ sộ về mặt số lượng và giá trị về mặt chất lượng, một số có thể kể đến như: Tôi Tự Học, Óc Sáng Suốt, Thuật Yêu Đương, Một Nghệ Thuật Sống, Cái Cười Của Thánh Nhân, Văn Minh Đông Phương Và Tây Phương, Cái Dũng Của Thánh Nhân.Thuật Xử Thế Của Người Xưa., v.v…
Giới thiệu sách:
Sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến khái niệm, mục đích của học vấn đối với con người đồng thời nêu lên một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. Tác giả cho rằng giá trị của học vấn nằm ở sự lĩnh hội và mở mang tri thức của con người chứ không đơn thuần thể hiện trên bằng cấp. Trong xã hội ngày nay, không ít người quên đi ý nghĩa đích thực của học vấn, biến việc học của mình thành công cụ để kiếm tiền nhưng thực ra nó chỉ là phương tiện để đưa con người đến thành công mà thôi. Bởi vì học không phải để lấy bằng mà học còn để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”.
Cuốn sách này tuy đã được xuất bản từ rất lâu nhưng giá trị của sách vẫn còn nguyên vẹn. Những tư tưởng, chủ đề của sách vẫn phù hợp và có thể áp dụng trong đời sống hiện nay. Thiết nghĩ, cuốn sách này rất cần cho mọi đối tượng bạn đọc vì không có giới hạn nào cho việc truy tầm kiến thức, việc học là sự nghiệp lâu dài của mỗi con người. Đặc biệt, cuốn sách là một tài liệu quý để các bạn học sinh – sinh viên tham khảo, tổ chức lại việc học của mình một cách hợp lý và khoa học. Các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo sách này để định hướng và tư vấn cho con em mình trong quá trình học tập.
Review sách:
Mỗi người trong chúng ta đều tiếp thu hai nền học vấn cho riêng mình – một nền giáo dục do nhà trường cung cấp, và một nền giáo dục bằng cách tự đào luyện cho riêng mình. Học tập là một quá trình liên tục mà chỉ cần bạn dừng lại, bạn sẽ ngừng tiến bộ.
Cuốn sách “Tôi Tự Học” là sự đúc kết của cụ từ những tinh hoa của bậc tiền bối cổ kim, đã giúp ích cho tác giả Nguyễn Duy Cần rất nhiều trên con đường học vấn và rất có thể trong cuốn sách sẽ giúp ích được cho chính các bạn đọc giả. Vì cuốn sách chứa đựng những kinh nghiệm và sự luận bàn riêng của cụ về các nguyên tắc của người đi trước
Nội dung cuốn sách gồm 8 chương
Ở chương 1, tác giả được ra các khái niệm về về người có tri thức thực sự, là người có kiến thức thật, có kết hợp học và hành. Bên cạnh đó, tác giả đã đưa ra dẫn chứng ví von “Con chiên ăn cỏ, đâu để mà nhả cỏ, mà để biến thành bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Điều này chứng minh cho việc học kết hợp với thực hành quan trọng biết nhường nào. Phải học làm sao để biến tri thức thành kiến thức của mình, có như thế mới không như con chiên ăn cỏ, con tằm nhả dâu.
Ngoài ra, tác giả cũng trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì? Và tại sao ta phải học?”
Học để phát triển bản thân, khiến bản thân ngày càng sâu và rộng, để bản thân không ngừng đổi mới. Được học để cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta đa phần được người lớn dạy dỗ khi còn nhỏ là phải học thật tốt để xin được việc làm, lương cao, được đi đây đó và không phải lo lắng về cơm áo, gạo tiền. Thật ra mong muốn này rất chính đáng, khi thế hệ của những người bố, người mẹ, của cả ông bà ta đã sống trong đói khổ, thiếu thốn về mọi mặt nên luôn mong muốn thế hệ sau có điều kiện hơn.
Bản thân chúng ta còn nhỏ cũng chưa nhận thức đúng đắn mục đích HỌC ĐỂ LÀM GÌ rồi khi lớn lên, ra trường đi làm chúng ta lại bị chi phối bởi suy nghĩ của đám đông, của những tiêu chuẩn xã hội. Vì thế chúng ta HỌC như một con robot nhiều hơn là tiếp thu và thẩm thấu nó đúng nghĩa.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta bám vào sách giáo khoa, giáo trình đã được chắt lọc, khi tốt nghiệp ra trường chúng ta hài lòng với những bằng cấp đã đạt được và tự mãn với chính mình. Và nếu có nhu cầu học lên cao, thì đa phần là học để nâng lương hoặc thăng chức chứ ít có ai học vì kiến thức, vì đam mê – Benjamin Franklin đã nói: “Chúng ta phần lớn chết ở tuổi 25, nhưng đến 75 tuổi mới được chôn”.
Chương 2, tác giả khuyên người đọc nên tập trung vào việc học có chuyên môn – học sâu về lĩnh vực mà bản thân mình lựa chọn. Học hành cần được khơi gợi bằng niềm hứng thú. Hứng thú học sẽ ắt không mệt mỏi, hứng thú tạo ra cố gắng vượt khó để học hỏi.
Chương 3 của cuốn sách là một chương làm tôi cảm thấy ngạc nhiên nhất. Chủ đề của chương này là những điều kiện thuận tiện cho việc tự học. Tác giả đã đề cập đến một khía cạnh của Lối sống tối giản mà tôi đang theo đuổi. Học tập, nghiên cứu cần có thời gian, tác giả khuyên chúng ta nên lược đi các hoạt động xã hội không cần thiết, đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày, để thời gian vào việc học.
Từ chương 4 đến chương 7, tác giả đề cập đến việc đọc sách. Đây cũng là phần mà tôi ấn tượng và suy ngẫm nhiều nhất, Theo Nguyễn Duy Cần đọc sách là cách thâu ngắn lại con đường kinh nghiệm của nhân loại. Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng. Và đọc sách cũng là cách tìm hiểu con người chân thật bên trong của ta. Và biết ‘mình’ là cái học đầu tiên của người có học thức.
Nhưng liệu tôi và bạn đã biết cách chọn và đọc sách như thế nào để nó thực sự bổ túc kiến thức cho ta chưa. Tác giả ví von trong văn chương cũng giống như trong tình yêu, phải biết nhận ra ai là tác giả dành riêng cho mình. Tác giả ấy chắc chắn sẽ khác hẳn với tác giả của bạn bè ta chọn. Chúng ta cũng phải trung thành với các tác giả đã thích hợp với mình, bởi vì việc lựa chọn này chỉ có chính mình mới là người phán xét đúng nhất mà thôi. Có như vậy ta mới tìm ra cho mình cuốn sách ‘gối đầu giường’, cuốn sách mà trong bất kì hoàn cảnh nào cũng giúp ta có vài ý tưởng để thích nghi cũng như giúp lòng ta nhẹ nhàng, phấn khởi, khôn ngoan và trong sạch hơn.
Đọc sách cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, có như thế mới thấm nhuần tư tưởng. Đọc sách hay thì không nên đọc sách mượn. Sách mượn phải trả, không nên giữ nó lâu ngày đến khi đợi người ta đòi. Đọc sách hay phải đọc sách chính mình đã mua, để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc đi đọc lại nhiều lần không phải để nhớ mà là để hiểu. Có những cuốn sách phải đọc đến lần thứ 3, thứ 4 mới hiểu được. Một khi kiếm được cuốn sách hay bạn sẽ thấy dù 1, 2 hay 10 năm sau nữa mà đọc lại vẫn thấy cảm giác man mác không biết chừng nào. Bởi thời gian trôi qua, trải nghiệm sống nhiều hơn, trình độ ngày một lên cao mình lại thấy nó càng thâm sâu hơn nữa.
Tác giả còn khuyên ta khi đọc sách thì nên có can đảm đọc những sách hay và khó để bắt ta cố gắng suy nghĩ, phải đọc nó với một vấn đề mình đặt lấy và giải đáp trước để rồi sau mới kiểm soát lại. Phải đọc và ghi ra cảm tưởng, phân tích đứng trên phương diện đồng cảm lẫn phản bác có như thế ta mới có chính kiến riêng của mình, ta lại càng hiểu ta hơn. Và khi đọc sách đừng bao giờ tự mình làm giảm óc phán đoán và suy nghĩ của mình, bởi đó là một điều tai hại vô cùng cho tinh thần độc lập và tự do của ta. ‘Đừng để cho ai che cái ánh mặt trời của mình’ cả.
Chương 7: Tác giả đưa ra tám nguyên tắc làm việc
– Nguyên tắc thứ nhất là đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.
– Nguyên tắc thứ hai để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.
– Nguyên tắc thứ ba là bất cứ học môn nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy,
– Nguyên tắc thứ tư: Biết lựa chọn.
Biết lựa chọn, là biết lựa chọn những công việc nào hợp với khả năng của mình. Và một khi đã lựa chọn xong thì hãy can đảm thực hiện cho kì được môn mình đã lựa chọn.
– Nguyên tắc thứ năm là phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỉ luật
– Nguyên tắc thứ sáu: Biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút một.
– Nguyên tắc thứ bảy là hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai. Đó là một thói quen rất tốt cho tất cả mọi công việc.
– Nguyên tắc thứ tám là muốn làm việc cho nó hiệu quả phải có một sức khỏe dồi dào.
Thông qua cuốn ‘Tôi tự học’, Nguyễn Duy Cần đã cho ta thấy thành công mỗi người sẽ đến ở những thời điểm khác nhau. Đừng theo đuổi đồng hồ của người khác, mỗi người đều có lộ trình riêng của mình. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy hào nhoáng bên ngày của những vĩ nhân, những người nổi tiếng nhưng không hề biết được quá trình gian khổ, kiên trì của họ. Chúng ta không thể lấy học thức để chạy đua với thời gian. Mà đó là cả một quá trình tích lũy, học hỏi mày mò. Không ai có thể qua một đêm mà giàu có, thành công và nổi tiếng.
Theo tác giả học cần phải làm như con ong hút nhụy đừng học đòi theo con bướm hút hoa
Trích đoạn hay:
“Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì, cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được chút ích lợi cho đồng bào là do sự cần cù và đeo đuổi mãi theo một ý nghĩ không thôi vậy” – (Ông Newton)
“Người có một tinh thần sâu sắc cần phải tự đào tạo một cái học để khám phá những tế nhị của lòng người, tuy đối với nhà toán học, nó là một cái học mơ hồ nhưng chắc chắn nó giúp ta rất nhiều trong sự thành công trong đời” – (Nhà văn Vauvenargues)
“Đời sống phức tạp, tản mát, giáo dục hấp tấp vội vàng, thói đọc sách sơ sài ngoài mặt là những nguyên nhân làm cho tinh thần ta biển bạc, lười biếng, thấy sao hay vậy, không chịu khó tìm xem nguyên nhân sự vật nơi đâu.”
“Sự sung sướng vật chất, học vấn, tự do, tất cả nền văn minh… chỉ là cái khung của một bức tranh. Cái khung đâu phải là bức tranh. Cũng như cái áo choàng đâu có làm thành được nhà tu, bộ quân phục đâu có biến con người thành một nhà chiến sĩ. Bức tranh ở đây tức là con người với tất cả những gì thâm sâu nhất của con người, tức là lương tâm, tính khí và ý chí của mình. Trong khi người ta chăm lo săn sóc và đánh bóng cái khung cho đẹp đẽ, người ta đã quên mất, khinh thường và làm hỏng mất bức tranh. Cũng như ta có thừa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại hết sức nghèo nàn về cái đời sống bên trong; ta có thừa thãi tiền của mà ta có thể không có cũng không cần, trái lại ta rất nghèo thiếu cái điều cần thiết nhất của đời ta.”
“Học cho rộng, hỏi cho kĩ, phân biệt sáng rõ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng đã học điều gì không hay, không thôi. Có điều không hỏi, nhưng đã hỏi điều gì mà không biết, không thôi. Có điều không phân biện, nhưng đã phân biện điều gì mà không minh bạch, không thôi. Có điều không nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì mà không nghĩ đến nơi, không thôi. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì mà chưa tận lực, không thôi. Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì phải dụng công gấp trăm, người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không thành thì phải dụng công gấp nghìn để đến kì được mới thôi. Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu rồi cũng thành sáng, yếu cũng thành ra mạnh.” – Khổng tử
Trích sách “Tôi tự học”