Home / Review sách / Review sách Sẽ Có Cách, Đừng Lo

Review sách Sẽ Có Cách, Đừng Lo

Sẽ Có Cách, Đừng Lo
Tác giả: Tuệ Nghi

Đôi nét về tác giả:
Tuệ Nghi, tên đầy đủ là Phan Thanh Bảo Ngọc, sinh năm 1993. Cô được biết đến với nhiều cương vị từ một luật sư xuất sắc, đến danh hiệu là nữ doanh nhân 9x đầu tiên của Việt Nam và trong thời gian gần đây, tên tuổi cô nổi lên với vai trò tác giả của nhiều cuốn sách được bạn đọc quan tâm yêu thích. Cô gái trẻ sinh năm 1993 dù khiêm tốn về tuổi đời những câu chuyện về nghị lực sống phi thường và quyết tâm vượt lên nghịch cảnh của Tuệ Nghi lại khiến rất nhiều người ngưỡng mộ.

Review sách:

Nếu bạn là một người trẻ đang băn khoăn giữa ngã tư đường đời với quá nhiều lối rẽ, “Sẽ có cách, đừng lo” đích thị là người bạn đồng hành tin tưởng, một cuốn sách lan truyền cảm hứng tuyệt vời.

“Sẽ có cách, đừng lo” chỉ là cuốn tản văn nho nhỏ chứa đựng những lời khuyên giản dị, chân thành. C
uốn tản văn chân thực nhất để nói về quãng đường Tuệ Nghi đã đi qua. Ở đó, cô không chỉ chia sẻ về câu chuyện đời mình và đó còn là những lời tâm sự giải bày trong cuộc sống cũng như những lời khuyên qua những câu chữ chân thành ấy

Cuốn sách được kể xoay quanh dòng tự sự của nhân vật “tôi”. Danh xưng cụ thể nhưng nghe lại có vẻ mơ hồ. “Tôi” có thể là Tuệ Nghi đang nói về cuộc đời mình, “tôi” cũng có thể là chính bạn đang nhìn thấy bản thân hiện lên qua từng câu chữ. “Sẽ có cách, đừng lo” mở đầu bằng một bức tranh u buồn, ảm đạm.

Nhân vật chính trong cuốn sách là hai mẹ con người phụ nữ goá bụa phải gánh chịu sự ghẻ lạnh của anh em bên chồng. Bị dồn vào bước đường cùng, họ dắt díu nhau lên Sài Gòn trên chuyến xe bus nồng nặc mùi người, xô bồ ồn ã. Nhưng Sài Gòn không phải miền đất hứa, ít nhất là trong suy nghĩ lúc bấy giờ của cô bé chưa kịp lớn khôn. Hai mẹ con người phụ nữ đáng thương bị lừa hết tiền bạc phải rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Bất đắc dĩ họ tìm đến người bà con duy nhất nhưng đáp lại lời cầu cứu chỉ là sự xua đuổi lạnh lùng. Phải chăng chính là khắc nghiệt của cuộc đời, sự vô cảm của lòng người đã tôi luyện nên một Tuệ Nghi kiên cường mạnh mẽ. Như cô từng viết “Có những người càng bất hạnh, càng nghịch cảnh thì động lực vươn lên trong họ càng lớn. Họ nén hết cay đắng xuống, tạo thành một lực đẩy để bật ra khỏi vũng lầy dưới chân mình”.

Người ta vẫn nói “bần cùng sinh đạo tặc” lúc khó khăn túng quẫn nhất cũng là lúc nhân cách con người phải đứng giữa hai bờ vực thiện – ác chênh vênh. Có kẻ vì muốn sinh tồn mà trở thành kẻ bất lương. Có người lại nuốt nước mắt vào trong, xem nỗi cực nhọc ngày hôm nay là động lực để vùng lên mạnh mẽ. Dù giọng văn của tác giả Tuệ Nghi xuyên suốt từ đầu tác phẩm vẫn đều thản nhiên, toát lên phong thái tự tin, rắn rỏi.

Nhưng khi đọc đến chi tiết, cô từng phải nhặt lấy hộp phở xào con gái bà chủ ném vào thùng rác để ăn. Ai trong chúng ta cũng khựng lại một giây, vì ngậm ngùi, vì thấu cảm. Hay khi cô phải đi theo mẹ làm tạp vụ trong nhà nghỉ, bà mẹ bần hàn luôn tất tả thu dọn dấu vết nhơ nhớp của những cuộc truy hoan. Bà luôn cố gắng làm thật nhanh để con gái bà không phải nhìn thấy cảnh tượng dơ bẩn ấy. Bà nhận hết cay đắng tủi nhục về mình, chỉ mong sao không làm nhem nhuốc đi tâm hồn trong trẻo của con. Nhưng người mẹ đáng thương nào hay biết, không phải cô con gái không nhìn thấy, chỉ là cô im lặng chôn giấu tất cả vào tim. Để ngày hôm nay khi đã là người phụ nữ chạm đến ngưỡng thành công, cô mới đủ bình tâm chia sẻ những điều này trong cuốn sách.

“15 tuổi, tôi đã sống sót như thế nào giữa Sài Gòn với 0,5 đô la?” Cách mà Tuệ Nghi đặt nhan đề cho từng chương truyện vô cùng giản dị, không thêm pha, không cắt xén. Tất cả đều là những thước phim cuộc đời hiện lên chân thực nhất qua giọng kể của cô. Không phải như người ta vẫn thường hay nói, khi bạn đã thành công rồi bạn có quyền nói sai thành đúng, bạn có thể đổi trắng thay đen và ai cũng xem đó là chân lý. Ở đây Tuệ nghi không “dạy đời” ai cả, những gì Tuệ Nghi chia sẻ chỉ là những kỉ niệm buồn vui, những trải nghiệm trong đời và cuối cùng là bài học và lời khuyên chân thành nhất.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang loay hoay với con đường khởi nghiệp. Họ than thở rằng mức lương 5-7 triệu không đủ cho cuộc sống cá nhân nếu không muốn nói rằng với số tiền ấy sẽ chẳng làm nên điều gì cả. Họ luôn mơ ước nguồn đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng cho dự án startup của bản thân. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không như mơ và tiền thì không thể từ trên trời rơi xuống. Nhưng các bạn à, đầu nghĩ, tay làm và hãy có đủ quyết tâm để không bỏ cuộc. Sinh ra nghèo khó không phải là cái tội, nhưng cứ mãi ở trong cái nghèo không thoát ra được thì hoàn toàn do lỗi ở bản thân. Hãy học cách thích nghi vì cuộc đời này không phải vì bạn mà thay đổi. Hãy sống vừa đủ theo cách của mình, làm nhiều tiêu nhiều làm ít chi tiêu ít. Nhưng quan trọng hơn, hãy học cách làm một người thợ giỏi trước khi nghĩ đến chuyện làm thầy.

Cuốn sách “Sẽ có cách, đừng lo” Không chỉ truyền cảm hứng và năng lượng sống tích cực cho độc giả, Bên trong sâu thẳm cuốn sách chúng ta còn được thấy những góc nhìn khác nhau về cách đối nhân xử thế. Đó là câu chuyện “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong”, khi người đàn ông trong bộ dạng nhếch nhác bước vào cửa hàng bán ô tô. Tất cả nhân viên đều liếc nhìn dáng vẻ bần hàn của ông bằng ánh mắt khinh khi, hời hợt. Không một ai muốn đứng dậy tiếp vị khách này bởi họ cho rằng chỉ phí thời gian. Nhưng cuối cùng sau khi thăm quan, vị khách kia đã mua liền 2 chiếc xe bán tải, trước sự ngạc nhiên sửng sốt của đám nhân viên thích đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.

Qua hình ảnh người đàn ông quê mùa khắc khổ trong câu chuyện ấy đã dạy ta bài học về cách nhìn người. Hay trong câu chuyện cô gái điên vẫn ước mơ trở thành cô giáo, lại khiến nhiều người phải bận lòng suy nghĩ. Đến người điên còn biết tự chủ sống với ước mơ của đời mình. Vậy mà nhiều người rất tỉnh lại chấp nhận gánh gồng ước mơ từ kẻ khác. Như chàng trai nọ vô cùng yêu thích nghề y, nhưng vẫn nghe theo sự sắp đặt của gia đình để lao vào công việc bản thân không hề yêu thích. Cuối cùng chỉ nhận lại kết cục dở dang. Thực ra bí quyết để luôn hạnh phúc chỉ gói gọn trong vài điều giản dị: Ăn món mình thích, lấy người mình yêu và làm những điều bản thân mong muốn.

Cuối cùng điều tôi thích nhất trong cuốn sách là phần Phụ nữ thì cần gì? đây cũng là những lời khuyên của tác giả dành cho chúng ta
Khí chất: Xấu cũng được, đẹp thì tốt. Những thứ quan trọng của một người phụ nữ không phải là xấu hay đẹp mà là khí chất. Đừng nghĩ khí chất là khi cố bôi trát hàng hiệu từ đầu đến chân. Khí chất của một người phụ nữ nằm ở cách đối nhân xử thế, cách sống với đời, với người.

Cá tính: Không phải chuyện gì cũng nhảy vào nâng quan điểm, phán xét với từ ngữ ngoa ngoắt thì gọi là cá tính. Cá tính thật sự nó nằm ngấm ngầm rất khó nhận ra. Người phụ nữ có cá tính riêng thường ít nói lời ngoa ngoắt với thiên hạ, họ lắng nghe nhiều hơn và chỉ nói vừa đủ. Sân si và cá tính là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau mà nhiều người hay bị nhầm lẫn.

Độc lập: Tự mình kiếm thật nhiều tiền, bằng cách chính đáng. Thời buổi kinh tế khó khăn, trầy vi tróc vẩy kiếm được đồng tiền để nuôi sống bản thân không phải dễ dàng gì. Nhưng phải cố gắng lên! Kiếm nhiều thì tiêu nhiều, kiếm ít thì tiêu ít. Miễn không phải ngửa tay xin xỏ bất kỳ người đàn ông nào là được. Thích gì thì tự kiếm tiền mà mua, đừng tiểu xảo bòn mót từ đàn ông rồi yêu cầu đàn ông phải tôn trọng mình, không có đâu. Độc lập là thứ mà đàn bà luôn phải ghi nhớ và thực hiện để có thể ngẩng cao đầu mà bước.

Đàn ông: Đừng chăm chăm tìm kiếm người đàn ông mà “thiên hạ” hay gọi là “soái ca”. Con nhà giàu, học giỏi lại đẹp trai cũng không quan trọng rằng thằng đàn ông đó có yêu mình thật hay không, có sẵn sàng dang tay ra bảo vệ mình dù trời đất sập xuống hay không. Đừng yêu một người đàn ông chỉ biết chổng mông gào lên ba tiếng: “Anh yêu em!” . Đừng bao giờ nghe đàn ông nói mà hãy nhìn cho rõ những gì họ làm.

Yêu bản thân mình: Đừng phó thác đời mình cho người đàn ông nào cả. Đừng bắt ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Đừng đòi hỏi ai phải yêu mình hết lòng khi chính mình còn chưa biết tự yêu bản thân.

Nhà văn nổi tiếng người Anh sống ở thế kỷ thứ 18 Dr. Samuel Johnson đã từng nói một câu rất chua cay: ” Thưa ngài, một người phụ nữ đi thuyết giảng thì cũng tựa như một con chó đi bằng hai chân sau. Nó không đi giỏi lắm nhưng ngài sẽ ngạc nhiên bởi nó đi được bằng hai chân sau.”

Phụ nữ nếu muốn được tôn trọng thì bản thân phải nỗ lực rất nhiều, tự tin và tôn trọng chính mình. Dẫu biết là phụ nữ sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng nếu có kiếp sau thì tôi vẫn ước mình là phụ nữ. Để làm gì ư? Tất nhiên là để làm khổ đàn ông rồi…(tôi đùa thôi!)

Cuốn sách như một người bạn động viên tác giả cũng như đem lại niềm tha thiết yêu cuộc sống cho độc giả, thể hiện năng lượng sống tích cực khi đứng trước những điều tưởng chừng như rất khó vượt qua.

“Nếu cánh cửa này đóng lại, bạn sẽ chọn mở tiếp cánh cửa khác hay bất lực trong oán trách vô vọng?
Người có thể dối ta, nhưng ta tuyệt đối không bao giờ tự dối chính mình. Không có điều gì là mãi mãi, kể cả những nỗi buồn cũng thế!

Cuộc sống là muôn vạn những chữ “Ngờ”, chúng ta không học được chữ “Ngờ”, càng không thể đoán biết trước được nó sẽ đến lúc nào. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách đón nhận nó, một cách tích cực và thanh thản nhất có thể…

Có người sẽ vì những đắng cay ngang trái ở đời mà gục ngã, mất hết niềm tin sống lẫn nhuệ khí sinh tồn. Nhưng cũng có người càng bất hạnh, càng nghịch cảnh thì động lực vươn lên trong họ lại càng lớn. Họ nén hết cay đắng xuống, tạo thành một lực đẩy để bật ra khỏi vũng lầy dưới chân mình.

Mọi thứ đều sẽ có cách giải quyết, nút thắt nào cũng sẽ có cách để mở, người cần đến sẽ đến và người cần đi sẽ buộc phải ra đi. Sẽ có cách, đừng lo!”

Cho dù cuộc sống rất nhiều thử thách, chông gai. Mọi chuyện dù cho tồi tệ đến mức nào đi chăng nữa cũng sẽ có cách giải quyết. Điều quan trọng nhất chính là mỗi chúng ta phải học cách đón nhận theo hướng tích cực, lạc quan. Bởi mọi nút thắt trên đời này đều có cách mở của riêng nó. Chuyện tìm ra được cách mở, phụ thuộc vào niềm tin và chính bản thân bạn.

Những đoạn trích hay:
1. Cuộc sống ngắn ngủi, hãy luôn tận hưởng và làm điều mình thích. Sống cho bản thân mình mới là sống – Sống bằng ánh nhìn của người khác thì khác nào sống mà như đã chết?
2. Giá trị thật sự của mỗi người không nằm ở iPhone-iPad- mà là I am!
3. Mất lòng tin của khách hàng là mất trắng, đó là hệ quả tất yếu của việc làm ăn gian dối. Kinh doanh là con đường rất dài, chỉ có uy tín mới giúp chúng ta đi hết được con đường đó, bằng không sẽ phải trả giá bằng sự thất bại, chết yểu.
4. Đố kỵ là khi bạn thừa nhận người đó hơn bạn, hơn rất nhiều và bạn không có cách nào để vượt qua họ. Đừng tự lừa dối bản thân rằng họ không xứng đáng được thành công, được hạnh phúc. Ai cũng xứng đáng kể cả bạn. Vì vậy nếu thật sự không cảm thấy hài lòng khi ai đó hơn mình, hãy cố gắng phấn đấu một cách công bằng để vượt qua họ nếu như bạn có thể. Thay vì tìm mọi cách để kéo họ xuống, sao bạn không học hỏi họ để vươn lên, thậm chí còn vươn cao hơn?
5. Bạn là ai, bạn đang đừng ở vị trí nào không quan trọng bằng việc bạn muốn trở thành ai và sẽ đi con đường như thế nào.
6. Không có gì là không thể nếu như bản thân dám tạo sự khác biệt. Đừng phí tuổi trẻ của mình cho việc tìm kiếm sự dễ dàng ở cuộc sống này để rồi đến một độ tuổi nào đó mới bắt đầu nhận ra sự nhàn hạ mới là thứ tạo ra thất bại một cách tẻ nhạt.