Home / Review sách / Review sách Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất

Review sách Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất

Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất
Tác giả: Jonas Jonasson

Đôi nét về tác giả:
Jonas Jonasson sinh năm 1961 tại Thụy Điển, vốn làm báo và là chủ một công ty truyền thông làm ăn phát đạt. Đến những năm đầu thế kỷ 21, ông bị bệnh trầm cảm và lao lực nặng, cận kề cái chết, khiến phải thay đổi cuộc sống. Ông bán công ty được khoảng 10 triệu bảng và chia cho các thành viên để đi tìm tự do; năm 2005 ông về sống ở vùng biển xa xôi phía Nam Thụy Điển. Mấy năm sau mới bắt tay viết Ông trăm tuổi…, gửi bản thảo đến 6 NXB thì 5 trong số ấy từ chối, bản in đầu tiên xuất hiện năm 2010 tại Thụy Điển.

Giới thiệu sách:
Cuốn “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của Jonas Jonasson là một tiểu thuyết xứng đáng để đọc, mặc dù bản dịch không được hay cho lắm. Nó xứng đáng không vì được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán hơn 6 triệu bản trên khắp thế giới, mà vì “mùi hương” văn chương của Ông trăm tuổi… tỏa ra cho thấy tầm vóc của một tác phẩm Nobel văn chương.

Cốt truyện đơn giản và khá trinh thám: Đúng sinh nhật lần thứ 100, ông Allan Karlsson trèo qua cửa sổ viện dưỡng lão và biến mất; ngay tức thì, ông được một tên tội phạm trao cho chiếc va-li có 50 triệu crown. Điều này khiến phía quản lý nhà dưỡng lão, đội chống tội phạm và cả giới tội phạm truy tìm ông. Chuyện gì sẽ xảy ra sau cùng thì chỉ có “trời mới biết”, vì tác giả không có ý kết thúc điều này.

Cuốn tiểu thuyết hồi tưởng lại cuộc đời phiêu lưu của Allan Karlsson, người đã đi khắp thế giới từ những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết tới nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông. Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng, dẫn dắt người đọc chu du cùng Allan qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn tưng tửng về thế giới này. Những xung đột văn hóa, ý thức hệ và những nét khác thường của các vùng đất xa xôi, càng chứng tỏ sự đa dạng của nhân loại trong thế giới có vẻ phẳng này.

Review sách:
Nếu các bạn có chút thắc mắc về cái tựa đề “Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất” dài ngoằng độc đáo, cái tựa đề hài hài bí ẩn này sẽ tiết lộ mạch truyện xuyên suốt của tác phẩm như thế nào. Đê biết được điều ấy, giờ thì hãy lật qua một bên cái bìa xanh xanh vẽ ô cửa sổ đáng yêu này để làm quen với ông cụ Allan Karlsson.

Chuyện kể về nhân vật Allan Karlsson (lúc gọi Allan, lúc gọi Karlsson) sinh năm 1905, là một ông cụ một trăm tuổi bằng xương bằng thịt, với những vấn đề sức khỏe rất đỗi bình thường mà bất cứ người già sắp trăm tuổi nào cũng có thể mắc phải (Thậm chí đã mắc phải vào trước ngưỡng trăm tuổi cả chục năm chứ chẳng chơi). Cụ đang phải sống trong một nhà già buồn chán, chịu đựng hoàn cảnh tồi tệ và những con người tồi tệ. Phải người già khác chắc chúng ta đã có một câu chuyện buồn đầy bi kịch và bất công rồi đó, nhưng vì đây là cụ Allan, một người luôn biết mặc kệ tuổi tác (và hầu hết những thứ khác) để sống yolo hơn phần lớn nhân loại hiện nay

Vào năm 2005 ông được 100 tuổi. Vì ngại người ta tổ chức sinh nhật chúc tụng nên lúc này với tất cả mớ sức lực còn sót lại từ thời trai trẻ, cụ đã quyết định trốn luôn qua đường cửa sổ nhà dưỡng lão trốn ngay trong ngày sinh nhật, lao vào thế gian hỗn loạn và biến mất hút giữa dòng người để thực hiện chuyến phiêu lưu ngầu nhất trong đoạn cuối của đời mình, thêm một lần nữa.

Ông đến trạm xe buýt của thị trấn, trong lúc chờ xe buýt thì có 1 thanh niên đẩy 1 vali to đến, đang muốn đi cầu, mà toilet thì quá nhỏ nên nhờ ông trông giùm, dù sao thì cũng yên tâm vì ông quá già. Ai dè xe buýt tới, ông leo lên xe và tài xế tưởng vali của ông nên vội vã mang lên, ông cũng không thèm đính chính và hỏi tài xế với 50 đồng thì đi được bao xa. Tài xế chở ông đến 1 thị trấn nọ, và cho ông xuống cùng với cái vali. Xuống thì ông mới biết thị trấn này không có nhiều người ở vì ở đó có 1 siêu trộm, hắn ăn trộm kinh hoàng nên người dân bỏ đi hết. Ông lão tới nhà siêu trộm và được siêu trộm chiêu đãi linh đình (vì lâu nay không có ai tới nhà chơi cả).

Về phần người thanh niên kia, sau khi đi toilet ra thì thấy vali đã biến mất nên điên tiết truy tìm, và cuối cùng cũng tìm được tài xế xe buýt để bắt chở tới thị trấn, tìm ra ông già đòi lại vali. Lúc thanh niên đang đôi co với tên siêu trộm thì ông Allan núp trong nhà kho, ông tính toán sẽ ra xử đẹp thằng này. Một là cây xà beng, nhưng nặng quá ông cầm không lên được. Ông nhìn thấy 1 gói thuốc chuột, định bụng sẽ ra đè nó xuống nhét vào miệng, nhưng sức ông 100 tuổi sao đè được thằng 25, coi chừng nó đè và nhét ngược lại cũng nên. Rồi ông quyết định đập nó bằng tấm ván, nó xỉu.

Ông phụ với siêu trộm nhốt người thanh niên vào kho chứa nông sản rồi tiếp tục ngồi nhậu. Một lúc thì người thanh niên tỉnh dậy, và chửi bới. Cứ mỗi lần chửi thì ông Allan vào bật quạt cho lạnh cóng để hết chửi, rồi tiếp tục nhậu. Nhậu xỉn, ngủ lăn quay, sáng mai phát hiện tên thanh niên đã chết vì tối qua ông quên tắt quạt. Thế rồi ông và siêu trộm mở vali ra xem, trong đó có 50 triệu đồng, một số tiền khủng khiếp, hoá ra tên thanh niên kia là thành viên nhóm xã hội đen buôn bán ma tuý.

Vậy là ông già 100 tuổi cùng Tên trộm Julius quyết định phi tang cái xác. Trên chặng đường chạy trốn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát và cả ông trùm tội phạm nhóm ‘Never again’, cụ Allan còn gặp thêm Benny- anh chàng bán bánh kẹp đã dành tới 30 năm để học ngành này qua ngành khác, Người Đẹp tại Trang trại bên hồ, Boose- là bạn cũ của trùm Cá Chó. Kết thúc câu chuyện là sự hòa giải giữa hai anh em nhà Benny và Bosse được hóa giải, tình bạn của Cá Chó và Đầu Bò vẫn luôn vững bền, ông trăm tuổi đã tìm lại được người bạn đời cuối cùng của mình — bà Amada và cả câu chuyện đầy hư cấu của mọi người về chiếc vali.

Trong suốt cuộc phiêu lưu đầy những tình huống éo le ấy, người đọc cũng được dịp ngó nghiêng về thời quá khứ vàng son oanh liệt của cụ Allan, để mà trầm trồ và hiểu rằng những điều gì đã góp phần tạo nên con người chất chơi như cụ của ngày nay. Dẫu biết rằng cả cụ Allan lẫn cuộc đời của cụ đều hoàn toàn là hư cấu, nhưng ngòi bút khéo léo của tác giả đã không ít lần thuyết phục mình tin vào những điều được viết ra với ít nhất là 200% sự thật. Minh nghĩ rằng phải chăng tác giả có thể làm được điều ấy là nhờ cách lồng ghép khéo léo các sự kiện lịch sử cùng những nhân vật có thật vào những câu chuyện khó tin ấy, để khiến chúng trở nên có sức thuyết phục một cách kì lạ.

Tác phẩm có một mạch truyện đan xen khá thú vị, với những tình tiết được triển khai gọn ghẽ và một lối dẫn truyện vô cùng khó đoán. Từng trang từng trang đều kích thích người đọc ngấu nghiến nó, lật sang trang tiếp theo, lại ngấu nghiến nó tiếp và rồi bật cười đến nấc cụt ở những đoạn chẳng ai ngờ. Một cuốn sách dày cui nhưng đọc xong rồi tôi lại chẳng có chút cảm giác nào về độ dày ấy cả. Tất nhiên, với tư cách là một tác phẩm châm biếm hài hước, những nhân vật trong câu chuyện đều có vẻ quá ngây ngô và một chiều so với thực tế, sự may mắn của cụ Allan cũng khiến ta đôi khi có chút bội thực. Nhưng tôi nghĩ đó mới là cách câu chuyện này vận hành, tức là nó chẳng thèm quan tâm đến cái logic gì cả, nó cứ điên khùng, cứ phá vỡ giới hạn và cứ thản nhiên kể lại câu chuyện nó muốn kể mà thôi. Còn phần suy tư về những ý nghĩa ẩn mình sau những câu chữ ấy, đó lại là chuyện của độc giả.

Với một cuốn sách như thế này, tôi không nghĩ có ai phù hợp để thưởng thức nó hơn những người đang cảm thấy chán nản hoặc mất đi động lực với cuộc sống. Câu chuyện khó tin của cụ Allan giống như một liều thuốc xốc lại tinh thần vậy, nó không chỉ mang lại tiếng cười mà còn mang lại những cảm hứng sống vô cùng tích cực: Đến một cụ già trăm tuổi còn chẳng hề đắn đo khi khao khát tìm tới gõ cửa tâm hồn thì chúng ta lại càng chẳng có lý do gì để không làm thế cả.

Trích đoạn hay trong sách:
Cụ Allan Karlsson tần ngần đứng ở đường ranh giới bằng hoa păng xê chạy dọc bên hông Nhà Già. Cụ mặc một chiếc áo khoác màu nâu, quần âu đồng màu và xỏ đôi dép đi trong nhà cũng màu nâu. Ở tuổi của cụ thì hiếm ai còn chưng diện được. Cụ vừa trốn khỏi bữa tiệc sinh nhật của mình, cũng chả mấy ai làm thế ở tuổi đó, đơn giản vì ai mà sống được đến chừng ấy tuổi.

Cụ Allan đắn đo liệu có nên chịu rắc rối bò lại qua cửa sổ để lấy mũ và giày dép của mình, nhưng khi sờ thấy dù sao cái ví vẫn yên vị ở túi bên trong thì cụ hài lòng.

Hơn nữa, Xơ Alice đã nhiều lần chứng tỏ rằng mình có giác quan thứ sáu (cụ giấu chai vodka của mình vào chỗ nào Xơcũng tìm thấy), và biết đâu Xơ đang sục sạo đâu đây
vì đánh hơi được cái gì ám muội vừa xảy ra?

Tốt nhất là đi được thì cứ đi, cụ Allan nghĩ và nhấc cái đầu gối ọp ẹp bước ra khỏi đường ranh giới. Cụ nhớ được là trong ví mình có vài tờ một trăm crown, thế là tốt rồi vì chắc chắn ra ngoài thì phải tiêu tiền.

Thế là, cụ quay đầu nhìn lại Nhà Già, nơi mà chỉ vài phút trước, cụ đã nghĩ rằng nó sẽ là chỗ cư trú cuối cùng của mình trên trái đất. Rồi cụ tự nhủ mình có thể chết vào dịp khác, ở một nơi nào khác.

Thế là Ông già Trăm tuổi lên đường trong đôi dép-nước tiểu (vì ở tuổi già, đàn ông hiếm khi đái quá mũi giày mình). Đầu tiên băng qua một công viên rồi men theo cánh đồng trống, nơi thỉnh thoảng có họp chợ ở vùng quê yên ả này. Được vài trăm mét, cụ Allan lẻn vào phía sau ngôi nhà thờ thời Trung cổ – niềm tự hào của huyện, và ngồi xuống chiếc ghế dài cạnh mấy cái mộ, để đầu gối nghỉ ngơi. Ở huyện này người ta không sùng đạo lắm nên Allan có thể yên chí ngồi thong dong một mình. Cụ thấy trớ trêu thay, cụ sinh cùng một năm với mồ ma Algotsson Henning nằm bên dưới tấm bia đối diện chỗ cụ ngồi. Nhưng giữa hai người có sự khác biệt, ít nhất là Henning đã ra ma từ 61 năm trước.

Nếu Allan để ý, có thể cụ đã tự hỏi vì sao Henning đã chết khi mới 39 tuổi. Nhưng cụ vẫn thường hết sức tránh không can thiệp vào chuyện người khác. Thay vào đó, cụ nghĩ rằng mình đã sai lầm khi ngồi ở nhà, ngỡ rằng mình cũng có thể chết như thế và mặc kệ nó. Bởi vì dù có đau đớn đến thế nào đi nữa, thì việc chạy trốn khỏi Xơ Alice cũng thú vị, hay ho hơn là nằm cứng đơ dưới ba tấc đất kia nhiều.

Thế là bất chấp cái đầu gối đau nhức, nhân vật chính của buổi sinh nhật đứng lên, tạm biệt Henning Algotsson và tiếp tục cuộc chạy trốn đã định của mình.

Cụ Allan đi tắt về phía nam sân nhà thờ, cho đến khi vấp phải một bức tường đá. Nó cao chưa tới 1 mét, nhưng Allan là cụ già trăm tuổi chứ không phải vận động viên nhảy cao. Phía bên kia là Trung tâm Du lịch Malmköping và cụ nhận ra rằng đấy là chỗ cặp giò rệu rã của mình đang muốn tới. Nhiều năm trước, có lần Allan đã vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn. Phải nói là khó nhằn. Allan nghĩ về điều đó khi cụ đứng trước trở ngại cuối cùng giữa mình và Trung tâm Du lịch. Cụ nghĩ lung đến mức bức tường đá trước mắt co lại gần như không còn gì. Và khi nó nhỏ nhất, cụ Allan bò lên đó, bất chấp tuổi tác và cái đầu gối.