Home / Review sách / Review sách Nụ Cười Của Shoko

Review sách Nụ Cười Của Shoko

Nụ Cười Của Shoko
Tác giả: Choi Eun Young

Review sách:
“Nụ Cười Của Shoko” là một Ấn phẩm truyền cảm hứng và nghị lực sống đến hàng triệu người dân xứ sở kim chi. Năm 2013, tác phẩm đầu tay của Choi Eun Young – Nụ cười của Shoko (Shoko’s Smile) đã giành hàng loạt Giải thưởng Văn học danh giá cho các tác giả trẻ (Writer’s World New Writer Award, Heo Gyun Literary Award, Kim Jun-sung Literary Award, Young Writers’ Award)

Cuốn sách là câu chuyện về sự gặp gỡ và chia ly của hai nhân vật với quốc tịch khác nhau đi cùng với sự bất đồng về ngôn ngữ. Họ gặp nhau thông qua chương trình trao đổi học sinh trung học, Shoko từ Nhật đã đến trường cấp III ở Hàn Quốc của So Yoo và theo học tại đó một tuần, đồng thời sinh sống tại nhà So Yoo. Khi Shoko đến, không khí trong nhà So Yoo dường như thay đổi hẳn, người ông khó tính của So Yoo trở nên niềm nở với Shoko vô cùng tuy chỉ với vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình, mẹ So Yoo cũng nhiệt tình hơn, Shoko dần trở thành một người bạn thân thiết với ông. Sau khi kết thúc chương trình trao đổi, cả hai vẫn tiếp tục liên lạc với nhau bằng thư từ, rồi một ngày, với hai lá thư ngắn gọn gửi đến cho ông và So Yoo, mọi liên lạc giữa ba người đã bị cắt đứt. So Yoo lớn lên, đi học trao đổi tại Canada, gặp lại người bạn trong khóa trao đổi cấp III năm nào, nghe kể về Shoko, liệu cô có ý định đến Tokyo để gặp lại người bạn Shoko của mình không?

“Người ta vẫn thường nói xa mặt thì cách lòng, dù yêu dù ghét gì thì cũng phải thường xuyên gặp mặt mới bồi đắp được tình cảm, nhưng trong trường hợp của Shoko thì lại khác. Phải là người tuyệt đối không thể nào bước được vào cuộc sống của bản thân, phải là người ở một chốn xa xôi không nhìn thấy cũng không nghe thấy phải là người như vậy, Shoko mới có thể gọi là bạn được”

Với 6 phần truyện ngắn xoay quanh cuộc sống, tình cảm giữa người với người. Lối kể chuyện nhẹ nhàng, trong trẻo, bình dị nhưng không gây nhàm chán mà lại rất thu hút. Cách tác giả xây dựng câu chuyện như đã đặt hết tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Lối hành văn rất tự nhiên nhất sẽ đi sâu vào dòng chảy cảm xúc của người đọc, chạm tới mọi ngóc ngách trong tâm hồn con người.

Hình ảnh người ông bị bệnh lên tận thành phố thăm cháu, tuy cục cằn nhưng lại yêu thương và tự hào về người cháu của mình rất nhiều; hình ảnh cô gái gặp nhiều thất bại trong sự nghiệp và nỗi cô đơn luôn quanh quẩn; đứa trẻ sống trong một gia đình lạnh lẽo khao khát ánh sáng ấm áp từ gia đình khác; và hình ảnh một cô gái đến cuối cùng vẫn không hiểu được cảm xúc của người bạn ngoại quốc…

Từng câu chuyện của Eun-Young đều để lại những cảm xúc nhất định trong lòng người đọc, khiến chúng ta cảm nhận được từng nỗi buồn man mác, sự tiếc nuối, hối hận… luôn quẩn quanh, không thoát ra được.

Trích đoạn hay trong sách:
Tôi có một người ông cứng đầu
“Đang rảo bước đi thật nhanh thì ông tôi quay lại, giơ tay vẫy và tự dưng cười vô cớ. Tôi cầm cái ô hỏng chạy tới chỗ ông. Vừa chạy vừa cố gắng gượng kìm nước mắt, quyết tâm rằng không được để rơi nước mắt trước mặt ông.

Tôi đưa chiếc ô cho ông.
“Ông không cần cái thứ này. Mưa cũng có to lắm đâu. Này, sao mày lại khóc vậy hả?”
Tôi giằng lại cái ô từ tay ông rồi vừa cố mở ô vừa gắt ầm lên:
“Tại cái ô này này, nó không chịu mở ra. Lần trước vẫn còn dùng tốt, vậy mà đúng lúc cần đến nó thì nó lại thế này.”
“Lắm nước mắt chưa kìa. Đưa cho ông.”

Ông chỉ vừa sờ vào một chút mà cái ô cứng đầu không chịu nhúc nhích đó đã mở bung ra. Ông cười khà khà rồi che ô cho tôi. Tôi bảo ông cứ cầm ô mà đi đi, nhưng ông vẫn không nghe. Mưa dần dần to hơn. Tôi bảo sẽ cùng ông đi ra trạm xe buýt thì ông bảo không sao, ông cứ thế này đi một mình cũng được. Nói câu đó mà mắt ông đỏ hoe. Ánh mắt như muốn nài tôi cứ để ông đi một mình bởi ông sắp khóc rồi. Tôi buông tay ông ra. Ông quay đi bước thẳng về phía trước, không hề nhìn lại phía sau một lần nào.”