Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi
Tác giả: Takeshi Furukawa
Giới thiệu sách:
Đã bao nhiêu lần bạn tự hỏi về sự tồn tại của bản thân trên thế giới này?
Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình chìm trong những ý nghĩ tích cực nhất.
Đã bao nhiêu lần bạn bỏ lỡ cơ hội đáng lẽ thuộc về bạn?
Một cuốn sách hay không chỉ là cuốn sách khiến bạn nhìn thấy chính bản thân mình trong đó mà còn là một cuốn sách giúp bạn trở nên tốt hơn.
Đâu đó đã có người nói rằng, nếu điều gì khiến bạn vui vẻ nhưng không khiến bạn tốt lên, hãy từ bỏ nó.“Mình là cá, việc của mình là bơi” sẽ khiến bạn thấy rằng:
– Tự đày đọa bản thân bằng những ý nghĩ tiêu cực chỉ khiến bạn rút ngắn thời gian của những tháng ngày vui vẻ.
– Muốn yêu cuộc sống này, trước hết cần biết chấp nhận bản thân và yêu chính mình đã.
– Cuộc sống ngắn ngủi lắm, chớp mắt một cái là bạn đã thêm một tuổi.
Vậy thì đừng lãng phí cơ hội làm điều mình muốn.
– Hãy sống như một chú cá, bơi hết mình, cố gắng hết sức dù cho ngày mai có ra sao đi nữa.
– Chỉ cần là một hạt giống mạnh mẽ, bạn sẽ trở thành một cây cổ thụ. Cuộc sống hiện đại vốn chứa đựng vô vàn những điều phức tạp, đừng giăng mắc thêm những “cái bẫy” cho chính bản thân bằng những suy nghĩ tiêu cực.
Hãy tập trung vào việc mình có thể làm được và làm tốt công việc ấy. Cuộc đời không bao giờ cho chúng ta những thử thách mà con người không thể vượt qua được. Trái tim con người vốn là tạo vật mạnh mẽ nhất, chỉ cần bạn luôn ghi nhớ điều đó.
Đôi nét về tác giả:
Takeshi Furukawa là một chuyên gia phát triển bản thân người Nhật. Năm 2006, ông đã tạo ra phương pháp của riêng mình về cách các cá nhân có thể tạo và giữ thói quen mới. Sau khi tổ chức các hội thảo, tư vấn riêng và các buổi đào tạo cho các chuyên gia trong ngành, Furukawa đã giúp hơn 20.000 cá nhân trên con đường phát triển cá nhân.
Furukawa là tác giả của nhiều cuốn sách về quản lý căng thẳng và thói quen, trong đó các phiên bản dịch có sẵn ở Hàn Quốc và Đài Loan. Hai tác phẩm của Furukawa đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam là “Mình là cá, việc của mình là bơi”, “Đừng để tương lai ghét hiện tại của bạn”.
Review Sách:
Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng gặp chuyện thuận lợi, suôn sẻ. Bất cứ ai trong chúng ta ít nhiều cũng sẽ có lúc gặp trắc trở, khó khăn không thể tránh khỏi. Những lúc phải đương đầu với sóng gió, thử thách trong cuộc đời, khi niềm tin sụp đổ lắm lúc ta chỉ muốn đầu hàng và buông xuôi trước áp lực cuộc sống. Nhưng rồi ta cũng phải sống, cũng phải vượt qua nghịch cảnh. Vậy làm sao ta có thể làm tốt điều đó trong thời gian ngắn nhất? Hãy đọc ‘Mình là cá, việc của mình là bơi’. Cuốn sách mang đến nhiều bài học giúp bạn tháo gỡ những điều đang mắc phải, giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận sự vật, sự việc trong cuộc sống, dứt bỏ suy nghĩ tiêu cực của bản thân dễ dàng hơn.
Cuốn sách đề cập đến 9 thói quen, suy nghĩ giúp mọi người thoát ra khỏi các suy nghĩ tiêu cực để đến với cuộc sống hạnh phúc. Ở mỗi thói quen, tác giả đưa ra cách lý thuyết, phương pháp giải thích vì sao nên xây dựng và duy trì thói quen đó. Đồng thời, ở mỗi phần tác giả có kể những câu chuyện “người thật việc thật” đã áp dụng thành công thói quen đang trình bày. Cuối mỗi chương là phần tóm tắt nội dung chương để thuận tiện cho việc nắm và nhớ nội dung.
Thói quen 1: Chấp nhận toàn bộ con người mình
Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, bởi vậy khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta không chỉ thấy “khoảng cách” giữa mọi người mà còn thấy được “sự khác biệt” trong mỗi người. Khi một người đánh giá thấp bản thân, anh ta sẽ tự giày vò bản thân bởi cảm giác tự ti, chán ghét và chỉ nhìn mọi chuyện theo hướng tiêu cực. Nếu bạn như vậy, hãy bắt đầu hình thành thói quen nhìn nhận ưu điểm của bản thân. Hãy tạm thời bỏ qua tiếng nói muốn thay đổi trong đầu. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận suy nghĩ bao dung rằng “đó cũng là con người mình mà” và bình tĩnh ngồi xuống xác định rõ phương hướng của mình là gì để hạnh phúc với chính bản thân khi đang trưởng thành.
Thói quen 2: Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác
Điều này có nghĩa bạn nên chấp nhận mỗi người là một cá thể “riêng biệt” nên chấp nhận hành động, suy nghĩ khác nhau hoặc nhìn từ lập trường của người khác để có cái nhìn thấu đáo hơn.
Thói quen 3: Cụ thể hóa một cách triệt để
Cuộc sống là những chuỗi vấn đề nối tiếp nhau và đôi khi chúng ta sẽ luôn bị xoay quanh những cảm xúc khó chịu, giận dữ, bất an… những cảm xúc ấy cứ tích tụ dần theo một chu kỳ luẩn quẩn giống như một quả cầu tuyết. Nhưng bằng cách viết ra những cảm xúc của bản thân một cách trung thực và phân tích những cảm xúc mơ hồ đó sẽ giúp bạn nhìn nhận một cách khách quan cảm xúc của mình và cách thay đổi nó sao cho thích hợp.
Thói quen 4: Nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía
Nhiều lúc, bạn sẽ bị lấn át bởi những cảm xúc thái quá, tầm nhìn hạn hẹp và chìm trong lo sợ. Và nếu bạn bị cuốn quá sâu vào sự việc lúc đo, bạn sẽ không thể nhìn nhận rằng những việc ấy chỉ là một trong vô số sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Nếu bạn có thể tự đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau, vào cảm xúc của nhiều người khác nhau. Nhìn bản thân từ góc độ bên ngoài, nỗi sợ hãi đó sẽ giảm đi một cách đáng kể đấy.
Một phương pháp của tác giả Furukawa đưa ra trong chương này mà mình thấy ấn tượng nhất phương pháp “Đặt mình vào vị trí của người mà bạn ngưỡng mộ, kính trọng”. Đầu tiên, liệt kê danh sách những người đó và tưởng tượng mình là chủ trì hội nghị của những người nổi tiếng. Làm như vậy trong khoảng 15 phút, bạn sẽ dần tìm được một vài ý tưởng tốt.
Thói quen 5: Tập trung vào những việc trong khả năng
Dùng từng sự tiến bộ, từng ”baby steps” để phá bỏ dần những rào cản mà mình thường khó vượt qua.
Thói quen 6: Chấp nhận số phận: không có nghĩa phó mặc cho số phận mà là hãy chấp nhận những điều mình không thể thay đổi được, bù lại hãy cố gắng để đối mặt với những thử thách của cuộc đời và những tình huống xấu nhất. Hãy nhớ câu chuyện Tái ông thất mã.
Thói quen 7: Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Hoàn hảo không hẳn là một điểm xấu mà cũng không hẳn là một điểm tốt. Nhưng những người theo đuổi chủ nghĩa này sẽ thường xuyên cảm thấy áp lực, căng thẳng và nhiều lúc còn dẫn tới trầm cảm hay những bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh. Với mindset này thì ông Furukawa đưa ra những phương pháp rất hữu dụng mà mọi người có thể áp dụng để có khắc phục được điểm này:
– Cố gắng linh hoạt trong cách nghĩ
– Xây dựng vùng xám
– Xác định rõ mục tiêu cuối cùng..
– Thay đổi từ chủ nghĩa hoàn hảo sang chủ nghĩa tối ưu
– Tiến hành trên ý tưởng của Microsoft
Thói quen 8: Nhìn vào mặt tích cực
Hãy học cách biết ơn, biết ơn có công việc để làm, biết ơn có cơm ăn áo mặc, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng nó sẽ mang lại những ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của bạn.
Thói quen 9: Sống cho giây phút hiện tại
Tác giả muốn chúng ta hãy buông bỏ quá khứ dù đó là những ngày rạng rỡ hay là những khoảnh khắc cần phải quên, bởi hiện tại là cái chúng ta cần sống, cần tập trung nhất. Một điều quan trọng hiện nay đó là hãy tập “NHỊN THÔNG TIN”, thế giới thông tin nhiễu loạn và chúng ta đang là nô lệ của smartphone, của những mạng xã hội. Những detox bản thân đi nào. Sống hết mình cho hôm nay.
9 thói quen sách đưa ra rất dễ hiểu, dù bạn có mở bất kì một trang nào đọc bạn cũng nắm được mạch của nó!
“Mình là cá, việc của mình là bơi” có thể đồng hành cùng những ai đang trong những ngày chênh vênh, mệt mỏi nhất của tuổi trẻ nhiều thách thức, khó khăn. Nếu một ngày bạn thật sự bế tắc, hãy dừng lại, nghỉ ngơi và lại mỉm cười sống cuộc đời của chính mình. Bản thân phải luôn lựa chọn mỉm cười, hạnh phúc, tin yêu thay vì âu lo, hoài nghi và tiêu cực
“Bất cứ ai phải khó khăn như công việc không đem lại niềm vui, môi trường không như mong muốn, đau ốm, thất bại…. đều rơi vào những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, người có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc của bản thân là người có thói quen nhìn những mặt tích cực của những công việc, môi trường ấy”
Trích đoạn hay:
1. “Trên đời này vốn không có cái gì gọi là công bằng hay chơi đẹp cả. Con người càng trải qua những chuyện vô lý, càng trải qua những chuyện bất công thì lại càng được tôi luyện và mạnh mẽ hơn.”
2. “Quá khứ và người khác là những điều không thể thay đổi được, nhưng bản thân và tương lai thì lại có thể thay đổi.”
3. “Không có cơn bão nào không tan, không có đêm nào mà bình minh không đến.”
4. “Trên đời này cái gì cũng có lí do của nó, thất bại hay khó khăn chỉ làm ta trưởng thành hơn mà thôi”
5. “Thay vì suy nghĩ có làm được hay không thì hãy suy nghĩ xem nên làm thế nào để thực hiện nó.”
6. “Ai cũng phải mắc sai lầm, nhưng người nào biết hạn chế nó và biến nó thành cơ hội, người đó sẽ thành công.”
7. “Hãy yêu đời dù nắng đẹp hay mưa bão.”
8. “Yêu thiên nhiên là yêu cả những ngày nắng, ngày âm u và ngày mưa bão. Hay nói cách khác, yêu cuộc đời là yêu cả những ngày vui vẻ, ngày đau khổ và cả những ngày tuyệt vọng.”