Home / Review sách / Review sách Đọc Vị Bất Kỳ Ai

Review sách Đọc Vị Bất Kỳ Ai

Đọc Vị Bất Kỳ Ai – Để Không Bị Lừa Dối Và Lợi Dụng
Tác giả: David J. Lieberman

Đôi nét về tác giả:
Tiến sĩ David J. Lieberman là một tác giả được trao tặng nhiều giải thưởng, và được quốc tế công nhận là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về hành vi và các mối quan hệ của con người.

Ông đã xuất bản sáu cuốn sách, tất cả đều được dịch ra 18 thứ tiếng và hai cuốn lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Ông còn là khách mời của hơn 200 chương trình truyền hình như The Today Show, Fox News, PBS và The View. Ngoài ra, ông giảng dạy và tổ chức các cuộc hội thảo về nhiều lĩnh vực trên toàn nước Mỹ.

Review sách:
Bạn băn khoăn không biết người ngồi đối diện đang nghĩ gì? Họ có đang nói dối bạn không? Đối tác đang ngồi đối diện với bạn trên bàn đàm phán đang nghĩ gì và nói gì tiếp theo?. Trong đó, Đoc người khác là một trong những công cụ quan trọng, có giá trị nhất, giúp ích cho bạn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đọc Vị người khác lại chiếm thế thượng phong trong việc chủ động nhận biết điều cần tìm kiếm – ở bất kỳ ai bằng cách “thâm nhập vào suy nghĩ” của người khác.


“Đọc Vị Bất Kỳ Ai” là cẩm nang dạy bạn cách thâm nhập vào tâm trí của người khác để biết điều người ta đang nghĩ. Cuốn sách này sẽ không giúp bạn rút ra các kết luận chung về một ai đó dựa vào cảm tính hay sự võ đoán. Những nguyên tắc được chia sẻ trong cuốn sách này không đơn thuần là những lý thuyết hay mẹo vặt chỉ đúng trong một số trường hợp hoặc với những đối tượng nhất định. Các kết quả nghiên cứu trong cuốn sách này được đưa ra dựa trên phương pháp S.N.A.P – cách thức phân tích và tìm hiểu tính cách một cách bài bản trong phạm vi cho phép mà không làm mếch lòng đối tượng được phân tích. Phương pháp này dựa trên những phân tích về tâm lý, chứ không chỉ đơn thuần dựa trên ngôn ngữ cử chỉ, trực giác hay võ đoán.

Nội dung cuốn sách được chia làm hai phần và 15 chương
Phần 1: Bảy câu hỏi cơ bản: Học cách phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Đến với chương đầu tiên “Liệu đối phương có đang che dấu điều gì không?” nói về bảy câu hỏi cơ bản giúp chúng ta nhận biết được đối phương nghĩ gì và cảm nhận của họ. Chỉ đơn giản là những câu hỏi mà đã có thể giúp bạn đoán được phần nào suy nghĩ của người khác rằng liệu họ có đang che giấu điều gì hay liệu họ với ý tốt là hay không, mà gây vô cùng ít nghi ngờ hoặc khó chịu cho người đối diện. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày lúc chúng ta muốn biết cách hành xử cho thích hợp hay đơn thuần chỉ là tò mò muốn biết người kia đang nghĩ gì.

Dấu hiệu tán thành hay phản đối: Liệu anh ta có thích điều đó không?
“Chỉ có một điều tệ hơn việc một người không biết mình thích và ghét gì, đó là anh ta không có can đảm nói ra những điều mình thích hoặc ghét.” Đã bao giờ bạn gặp một người mà bạn không thể biết được cô ta có cảm giác thế nào với chủ đề bạn đang nói không? Liệu có ai đó bạn quen đang trải qua chuyện tồi tệ mà không muốn cho bạn biết? Khi giải thích một chiến lược phát triển mới cho đồng nghiệp, anh ta chẳng hé răng lấy một lời. Bạn có muốn biết anh ta đang nghĩ gì không?. Chương này sẽ hướng dẫn bạn cách làm thế nào để trong những trường hợp tương tự, có thể nhanh chóng và âm thầm nhận ra điều mà một người đang nghĩ, dù đôi khi không cần hai người phải nói với nhau lời nào qua các phương diện cũng như thủ thuật: Sử dụng nỗi ám ảnh; Toàn bộ thế giới này là một sự phản chiếu; Những bài học về ngôn ngữ; Những dấu hiệu tích cực

Liệu đối phương có thực sự tự tin?
“Tự tin là điều kiện tiên quyết để có những công việc tốt”. Ở chương này tác giả sẽ cho chúng ta biết được đối phương có tự tin hay không qua những cách thức sau: Dấu hiệu cơ thể; Quyết định điểm tập trung…Với từ ngữ logic, sự nhạy bén trong từng suy nghĩ và cử chỉ, cùng với những ví dụ chân thật lại vô cùng cuốn hút khiến người đọc hứng thú hơn qua từng trang sách, như việc Tiến sĩ David J. Lieberman đưa ra một ví dụ rằng:

“Trong một lần trò chuyện thân mật với một người đồng nghiệp, bạn thấy cô ta với lấy một chai soda mà lại phải đưa mắt để ý tới cánh tay trong quá trình với lấy nó và trong lúc đưa chai lên miệng uống. Hành động này cho thấy người đồng nghiệp đang cảm thấy lo lắng, bất an và không tin tưởng vào khả năng thực hiện một hành động mà bản thân cô ta đã thực hiện cả ngàn lần trước đó – lấy nước để uống – hành động đáng nhẽ không cần chú ý cũng có thể làm được. Điều này chỉ có thể giải thích là do ý thức của cô ta đã bị đánh động ở mức độ cao“

Mọi chuyện có thực sự là như vậy?
“Đừng tưởng rằng bạn có thể che giấu suy nghĩ bằng cách che giấu những bằng chứng từng tồn tại.” Chúng ta sẽ nhận biết được tâm trạng của một người qua thái độ của họ qua những thủ thuật
– Sức mạnh của nhận thức
– Cảm giác của anh ta như thế nào? Ta có thể hỏi đối phương về một vấn đề nào đó và quan sát phản ứng của họ. Từ đó ta biết được họ đang lạc quan hay bi quan
– Nhận biết mâu thuẫn
– Một người lạc quan về tương lai rất dễ tha thứ cho mọi lỗi lầm trong quá khứ
– Ánh mắt biết nói

Đo mức độ quan tâm: Liệu anh ta có thực sự quan tâm hay bạn chỉ đang lãng phí thời gian?
“Phân nửa thời gian con người nghĩ họ đang nói chuyện công việc, thực ra chính là thời gian mà họ đang lãng phí.”
Khi một người quan tâm đến một vấn đề nào đó, người ấy rất khó che giấu được cảm xúc của mình. Ở chương này tác giả sẽ chỉ cho ta ba thủ thuật cơ bản để nhận biết mức độ quan tâm của người ấy.
– Tính tư lợi: mỗi khi chúng ta muốn thăm dò một điều gì đó, ta hãy quan sát hành động của họ, chứ đừng nghe những gì họ nói.
– Sự tò mò sẽ tiết lộ được nhiều điều
– Lòng tin của một người thường tỉ lệ nghịch với mức độ quan tâm của họ.

Đồng minh hay kẻ phá hoại: Thực ra họ đang ở phía nào?
“Tha thứ cho kẻ thù bao giờ cũng dễ hơn tha thứ cho bè bạn.” Liệu người đó đang ủng hộ hay đâm lén sau lưng bạn? Nếu nghi ngờ một người có vẻ như đang ủng hộ bạn, song thực ra lại là người làm hỏng những nỗ lực của bạn, những chiến lược này sẽ vô cùng hữu dụng trong việc phát hiện ra chân tướng sự việc.
– Tôi có thể giúp gì cho bạn? Nếu một người thực sự muốn giúp đỡ bạn, họ sẽ hành động. Còn nếu nó không có bất cứ hành động nào, đó là vì họ đang giả vờ mà thôi.
– Trao đổi thông tin tự do: nếu người ấy không muốn biết bất kỳ thông tin gì của bạn, thì anh ta không hề có ý định giúp đỡ bạn, có khi còn muốn đâm lén sau lưng đấy.
– Sự nhiệt tình

Bạn có đang nói chuyện với một người ôn hòa hay không? Điều gì khiến một người bình thường hay không bình thường
– Mất bình tĩnh và giận dữ: một người không tôn trọng bản thân mình rất dễ đánh mất kiểm soát.
Chương này giúp chúng ta hiểu sự liên quan giữa cái tôi, lương tâm tới hành vi của một người. Cơ thể chúng ta luôn giằng co mọi hành động “cái gì thoải mái nhất” và “cái gì là hợp lí, tốt nhất”, người có lương tâm lớn hơn cái tôi thì có xu hướng làm mọi việc sao cho nó hợp lí nhất, thế nên họ thường nhận được những điều tốt đẹp từ cuộc sống, còn người có cái tôi lớn hơn thì mọi việc có xu hướng ngược lại. Cái tôi ở đây là sự tự đáp ứng để thỏa mãn bản thân giống như bạn đói thì ăn, mệt thì ngủ, hoặc muốn ngủ thêm vào buổi sáng…

Trong mỗi chương tương ứng với mỗi câu hỏi như chiếc chìa khóa giúp chúng ta đọc vị được người khác một cách nhanh chóng để biết được suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc của họ. Những phương pháp được nêu ra ở đây có thể áp dụng với bất kỳ ai và bất kỳ khi nào. Ở mỗi chương, tác giả sẽ chỉ rõ cho chúng ta cách phán xét, suy nghĩ của một người với những ví dụ thực tế. Vậy là những thủ thuật, chiến thuật đầu tiên đã được hé mở..

Sang phần thứ Hai là Những kế hoạch chi tiết cho hoạt động trí óc – hiểu được quá trình ra quyết định. Vượt ra ngoài việc đọc các suy nghĩ và cảm giác đơn thuần: Hãy học cách người khác suy nghĩ để có thể nắm bắt bất kỳ ai, phán đoán hành xử và hiểu được họ còn hơn chính bản thân họ.

Ở Phần hai này tác giả không nói nhiều về kỹ thuật hay mẹo đọc vị. Phần này nói về những khuôn mẫu tư duy và tính cách của con người. Mỗi người sẽ có một khuôn mẫu tư duy riêng, và ứng với khuôn mẫu đó sẽ là những bộ hành động hay cử chỉ nhất định. Nếu bạn nhận biết được đối phương thuộc khuôn mẫu tư duy nào, bạn sẽ có thể đoán biết được những hành động và phản ứng của họ. Tuy nhiên Trong phần hai này, chương 14 là chương quan trọng, chương này phân loại tính cách con người thành ba loại, ngoài việc giúp hiểu một người có tính cách như thế nào, nó cũng giúp chúng ta hiểu mình là ai rồi từ đó điều chỉnh thay đổi bản thân. Ba loại tính cách ở phần này bao gồm: “người coi mình thấp kém”, “người kiêu ngạo” và loại là kết hợp của hai loại trên.

Khép lại trang sách, Cuốn sách như bao hàm những thủ thuật giúp các bạn “đọc vị” được người khác một cách nhanh chóng mà không làm mất lòng hay ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa bạn và họ. Có cuốn sách, bạn sẽ là người nắm được thế chủ động hơn trong mọi tình huống, sẽ không phải lo về việc bị lừa dối và lợi dụng. Góp phần tôi luyện thêm “ bản năng “ nhìn nhận người khác một cách chính xác có logic, giúp ích cho bạn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

“Đọc Vị Bất Kỳ Ai – Để Không Bị Lừa Dối Và Lợi Dụng” cuốn sách tuyệt vời cho những bạn muốn hiểu thêm về tâm lý con người.  Để thông cảm và khơi gợi những tư duy đúng đắn cho người khác. Rất có ích cho những người làm kinh doanh hay quản lý nhân sự, thậm chí là duy chì cả những mối quan hệ trong gia đình, tình yêu, cuộc sống.

Trích những câu nói hay:
“Sự chân thật có thể là cách giải quyết tốt nhất, nhưng cũng cần nhớ rằng theo phương pháp loại trừ, không trung thực là cách giải quyết tốt thứ nhì.” – George Carlin

“Chỉ có một điều tệ hơn việc một người không biết mình thích và ghét gì, đó là anh ta không có can đảm nói ra những điều mình thích hoặc ghét.” – Tony Randall

“Tha thứ cho kẻ thù bao giờ cũng dễ hơn tha thứ cho bè bạn.” – William Blake

“ Tính cách có thể mở ra những cánh cửa , nhưng chỉ có nhân cách mới giữ được những cánh cửa đang mở “ – Elmer G. Letterman

“Khám phá bao gồm việc thấy những điều mọi người thấy và nghĩ ra những điều chưa ai nghĩ.” – Albert Von Szent – Gyorgyi

“ Sáng tạo đôi khi cũng có thể biến thành phá hoại . Nó phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách con người : ở mặt tốt hay xấu . Và nếu cả nhân cách cũng không có thì không người thầy nào có thể giúp học sinh tạo ra nó hay thay thế học sinh quyết định”. – Carl Jung

Trích sách “Đọc Vị Bất Kỳ Ai – Để Không Bị Lừa Dối Và Lợi Dụng”