Câu Chuyện Đời Tôi
Tác giả: Helen Keller
Đôi nét về tác giả:
Helen Keller (1880 – 1968) là người khiếm thị kiêm khiếm thính đầu tiên trên thế giới nhận được tấm bằng Đại học. Bà là chủ tịch hội người mù tiểu bang Massachusetts, đồng sáng lập tổ chức Helen Keller International (gồm 22 quốc gia kể cả Việt Nam), suốt cuộc đời hoạt động phục vụ cho cộng đồng người mù. Helen đã đi thuyết giảng tại 39 nước trên thế giới.
Bà đã gặp được nhiều tổng thống Mỹ và có những người bạn là các nhà văn nổi tiếng thế giới. Helen là tác giả của 12 cuốn sách và nhiều bài báo. Năm 1999, Helen Keller được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. “Câu chuyện đời tôi” được Helen Keller viết khi cô 22 tuổi.
Review sách:
“Câu chuyện đời tôi” là cuốn tự truyện của một cô gái điếc và mù, sống trong một thế giới khép kín và đơn độc, tăm tối, lặng câm, không sắc màu, không tiếng nói. Nhưng những nỗ lực bền bỉ, phi thường của cô đã tạo nên giá trị cho chính mình. Và cuộc đời của cô đã chứng minh rằng, chính cuộc sống đã tạo nên kỳ tích.
Lúc chưa đầy 20 tháng tuổi, cơn sốt viêm màng não đã lấy đi của bà ánh sáng và âm thanh, bà không thể nghe nói được và chẳng nhìn thấy điều gì. Helen gọi ngày tháng đó là “những bóng đen của tù ngục” và tâm hồn bà luôn gào thét trong im lặng “Ánh sáng! Hãy cho tôi ánh sáng!”. Dĩ nhiên, chẳng có ánh sáng nào được ban phát cả, nhưng Helen, với cơ duyên gặp được cô giáo Anne Sullivan và với khao khát được học hỏi, đã chiến thắng tất cả để biết đọc, biết viết và thành công vượt bậc khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục.
Không thể dùng đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe và miệng để trò chuyện. Thế nhưng, thế giới quan của cô bé Helen thực sự được rộng mở và kết nối tuyệt diệu với bản chất của cuộc sống nhờ triết lý giáo dục tiến bộ. Cô Sullivan hướng dẫn cho học trò của mình chạm vào và quan sát con gà mới nở, ngửi mùi thơm và sờ nhẹ lên những bông hoa… Cô cho nước chảy qua bàn tay của Helen, rồi từ từ vẽ lên tay cô bé chữ “n-ư-ớ-c” để hiểu về cách định danh, biết dùng từ nào để diễn tả thứ gì. Cô giải thích cho Helen hiểu rằng có những thứ không thể sờ và ngửi là có thể nhận biết được, ví dụ như suy nghĩ, hay tình yêu… Cô nắm tay dẫn học trò ra cánh đồng thơm mát để hiểu rằng con người và thiên nhiên là bạn, nhưng cô cũng cho Helen ở lại một mình lúc bão giông để biết được thiên nhiên cũng rất đáng sợ và “dưới mỗi ngón tay mềm mại nhất đều che giấu những móng vuốt nguy hiểm”. Đó là một quá trình dạy và học trực tiếp, sinh động và có mục đích áp dụng cụ thể, ý nghĩa.
Từ phía mình, Helen yêu thích việc khám phá mọi thứ xung quanh, tiếp thu nhanh chóng tất cả những bài học từ cô giáo, cảm nhận tất thảy sự mới mẻ bằng tinh thần sẵn sàng tiếp thu và trái tim ấm áp của mình. Bà coi sách như những người bạn và trong cuốn sách này, bà cũng nêu tên những cuốn sách ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Khi cô giáo đọc một cuốn sách hay, Helen mong mỏi tự đọc đến nỗi tha thiết yêu cầu người bác đưa đi in nổi thành chữ Braille và đọc đến thuộc lòng. Bà yêu việc tới trường và nỗ lực học tập, “Khi tôi học tập, tôi xây lên những tòa lâu đài không khí xinh đẹp nhất, mơ ước, mơ ước mãi”. Quả là một tinh thần ham học hỏi hiếm có.
Cuốn tự truyện nhẹ nhàng, thủ thỉ, từng câu chuyện được kể theo trình tự thời gian và thể hiện sự thay đổi tích cực dần lên của nhân vật qua những trải nghiệm và những dấu mốc quan trọng. Cuốn sách như “vén mở bức màn che phủ thời thơ ấu của mình như một lớp sương mù vàng vọt”, đơn thuần chỉ là kể lại hành trình của cá nhân Helen, nhưng lại có thể giúp người đọc cảm nhận được bản thân đang đứng ở đâu trên con đường học tập, nỗ lực và ước mơ của mình. Chúng ta cũng có thêm động lực để sẵn sàng đối mặt với trở ngại trên con đường ấy, bởi “Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công thành danh tựu”.
“Câu chuyện đời tôi” là sự chia sẻ chân thực và đầy xúc động về cuộc đời của Helen Keller, đã làm thổn thức biết bao trái tim độc giả trên thế giới, mang lại sự cổ vũ, khích lệ to lớn cho độc giả đến tận hôm nay. Câu chuyện về tấm gương nghị lực của Helen Keller có lẽ đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Một cuốn sách hay, đáng để đọc
Trích đoạn hay:
Thời kỳ đầu của đời tôi đơn giản và khá giống với mọi cuộc đời nhỏ bé khác. Tôi đến, tôi nhìn thấy, tôi ngự trị, như đứa bé đầu tiên trong gia đình luôn làm thế. Có một mức độ thảo luận nhiều đến bất thường về việc đặt tên cho tôi. Đứa bé đầu tiên trong gia đình không thể được đặt tên một cách khinh suất, mọi người đều nhấn mạnh tới điểm đó. Cha tôi đề nghị cái tên Mildred Campbell, theo tên của một vị tổ tiên mà ông vô cùng quý trọng, và ông khước từ không tham dự thêm nữa trong cuộc thảo luận. Mẹ tôi xử lý vấn đề bằng cách bảo rằng bà ước muốn đặt tên tôi theo mẹ của mình, vốn có tên hồi con gái là Helen Everett. Nhưng trong niềm phấn khích khi bế tôi tới nhà thờ, cha tôi đã quên khuấy mất cái tên trên đường, rất ư tự nhiên, vì đó là một cái tên mà ông đã khước từ không bàn thảo tới nữa. Khi vị mục sư hỏi tên đứa bé, ông chỉ nhớ rằng mọi người đã quyết định đặt tên tôi theo tên của bà ngoại tôi, và ông gán cho bà cái tên là Helen Adams.
Tôi nghe kể rằng khi vẫn còn mặc những cái váy dài, tôi đã cho thấy nhiều dấu hiệu của một thiên hướng háo thắng, thích tự khẳng định bản thân. Mọi thứ tôi thấy người khác thực hiện tôi khăng khăng một mực làm theo. Mới sáu tháng tôi đã có thể líu lo “Xin chào” (Howd’ye), và một hôm tôi thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách nói “Trà, trà trà” (Tea, tea, tea) rất rõ ràng. Ngay cả sau cơn bệnh, tôi vẫn nhớ một trong những từ mà tôi đã học được trong mấy tháng đầu đời đó. Nó là từ “nước” (water) và tôi tiếp tục cố thốt ra từ đó sau khi mọi từ ngữ khác đều mất đi. Tôi chỉ thôi thốt lên tiếng “wah, wah” khi tôi học được cách đánh vần từ đó.
Cha mẹ bảo rằng tôi biết đi vào hôm tôi lên một tuổi. Mẹ tôi vừa mới bế tôi ra khỏi bồn tắm và đang giữ tôi trên đùi thì đột nhiên tôi bị thu hút bởi bóng của những chiếc lá đang nhảy múa chập chờn trong ánh nắng đổ xuống sàn nhà bằng phẳng. Tôi chuồi khỏi đùi mẹ và hầu như chạy về phía chúng. Cơn bốc đồng biến mất, tôi ngã lăn ra và khóc đòi mẹ tôi bế tôi lên. Những ngày hạnh phúc đó không kéo dài. Một mùa xuân ngắn ngủi, tràn đầy âm nhạc với tiếng hót líu lo của lũ chim cổ đỏ và chim ruồi, một mùa hè đầy quả ngọt và hoa hồng, một mùa thu trải sắc vàng và đỏ thẫm ra và để lại những quà tặng của chúng dưới chân của một đứa bé náo nức, vui sướng. Thế rồi, vào tháng Ba ảm đạm, căn bệnh tới, khép kín đôi mắt và đôi tai của tôi, dìm tôi vào cõi vô thức của một đứa bé sơ sinh. Người ta gọi đó là chứng sung huyết dạ dày và não cấp tính. Vị bác sĩ nghĩ là tôi không sống được. Tuy nhiên, một sớm mai kia, cơn sốt rời khỏi tôi cũng đột ngột và bí ẩn như khi nó tới. Sáng hôm đó là một niềm hân hoan to lớn của gia đình, nhưng không ai, ngay cả vị bác sĩ, biết rằng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy hay nghe thấy được nữa.
Tôi tưởng chừng như vẫn còn những hồi ức rối rắm về cơn bệnh đó. Tôi nhớ nhất sự dịu dàng khi mẹ tôi cố xoa dịu tôi trong những giờ tôi thức giấc, cáu gắt và đau đớn, và sự thống khổ, hoang mang khi tôi choàng tỉnh sau một giấc ngủ ngắn chập chờn và hướng đôi mắt khô khốc, nóng rực vào bức tường, tránh khỏi ánh sáng một thời yêu thích, ngày càng mờ mịt hơn khi đến với tôi. Nhưng, ngoài những ký ức thoáng qua này, nếu quả thật chúng là những ký ức, mọi thứ dường như không có thật, giống như một cơn ác mộng. Dần dần tôi trở nên quen với sự thinh lặng và bóng tối vây quanh tôi và quên rằng trước kia mọi thứ từng khác hẳn, mãi tới khi cô ấy tới, cô giáo của tôi – người đã giải thoát cho linh hồn tôi. Nhưng trong mười chín tháng đầu tiên của đời mình, tôi đã thoáng nhìn thấy những cánh đồng xanh rộng lớn, một bầu trời trong sáng, những cây cối và bông hoa mà bóng tối sau đó không thể hoàn toàn xóa bỏ. Nếu chúng ta đã từng nhìn thấy, “ngày đó là của chúng ta, và những gì ngày ấy đã phô bày là của chúng ta.”
Trích sách “Câu chuyện đời tôi”